Đã 6 năm trôi qua kể từ khi ký hợp đồng mua nhà, 133 hộ dân khu chung cư Bông Sen (39 Quang Trung, TP Vinh) vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”. Tình trạng xuống cấp của công trình này đang hiện hữu từ việc thấm, dột; cầu thang máy rung lắc, sự cố xảy ra thường xuyên. Rất nhiều lần người dân kiến nghị đến đại diện chủ đầu tư công trình này là Công ty CP Du lịch Nghệ An, nhưng đều rơi vào im lặng...
Theo thiết kế ban đầu, chung cư Bông Sen có 21 tầng, tầng hầm để xe máy. Từ tầng 1 đến tầng 5 là siêu thị, thương mại (do chủ đầu tư khai thác). Từ tầng 6 đến tầng 19 là căn hộ bán cho dân, mỗi tầng có 7 căn hộ, diện tích từ 60,4m2 đến 67,8m2.
|
Chung cư Bông Sen ở 39 đường Quang Trung (TP Vinh) được mở bán từ năm 2013, đến nay 133 hộ dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ do công trình xây dựng sai thiết kế ban đầu
|
Vào thời điểm tòa nhà chung cư này mở bán cho dân (năm 2013), chưa có quy định về phí bảo trì mà được nhà đầu tư Công ty Cổ phần Du lịch Nghệ An gói gọn trong mức giá 11 triệu đồng/m2. Theo thông lệ mà các khu chung cư được đầu tư xây dựng và bán cho dân trong thời điểm chưa có “phí bảo trì” (trước năm 2014) tại TP Vinh thì trách nhiệm bào trì chung cư thuộc về nhà đầu tư, người dân chỉ nộp “phí chung cư” và tiền gửi xe ô tô, xe máy (nếu có).
Nằm ở vị trí đẹp, chung cư Bông Sen được người dân chào đón rất nồng nhiệt, do vậy việc mua - bán diễn ra rất thuận lợi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi vào ở, những bất cập phát sinh bắt đầu xảy ra: Không có phần thiết kế dành cho người khuyết tật, không có chỗ để xe ô tô, không có các tầng dành cho thương mại (không có siêu thị), không có hội trường cho sinh hoạt cộng đồng; chất lượng tường xây kém nên rất dễ bong tróc, thấm, dột; tòa nhà phát sinh thêm tầng 22 nhưng chỉ có 2 cầu thang máy và 1 cầu thang bộ (kiêm thoát hiểm); thiết kế căn hộ quá tiết kiệm diện tích mà không chú ý đến sự tiện ích trong sử dụng...
|
Công trình không có phần thiết kế dành cho người khuyết tật, không có chỗ để ô tô nên có tới 40 xe hơi phải để trên vỉa hè với mức phí trông giữ từ 300 đến 350 ngàn/xe/tháng.
|
Ông Trịnh Đình Thanh- Trưởng Ban Quản lý chung cư Bông Sen cho biết: “Tòa nhà có 2 cầu thang máy thì 1 cầu thang bị hỏng liên tục mặc dù mỗi tháng phải nộp cho chủ đầu tư 6 triệu đồng phí bảo dưỡng. Hiện tượng phòng tắm, vệ sinh của căn hộ tầng trên thấm xuống căn hộ tầng dưới đã xảy ra. Đã 6 năm trôi qua nhưng chưa hộ dân nào được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ đỏ). Nhiều hộ phải bán tháo để khỏi bức xúc, đau đầu”
Trong vai người đi tìm mua căn hộ, phóng viên Hòa Nhập đã gặp ông H (chủ căn hộ ở tầng 18), ông H giới thiệu: “Tôi mua căn hộ này cho con gái, giá gốc là 780 triệu đồng, sửa chữa, ốp gạch, lát sàn hết khoảng 200 triệu đồng nữa. Nay vì con gái tôi theo chồng về Quảng Ninh nên tôi bán. Anh thiết tha mua thì tôi để giá 750 triệu đồng, bao gồm cả nội thất, tủ lạnh,, máy giặt”. Căn hộ của ông H rao bán nằm ở góc phía Tây - Bắc tòa nhà, có diện tích 67,8m2. Hỏi về giấy tờ nhà, ông H nói: “Chủ đầu tư hứa là cuối năm nay có “bìa”, anh cứ yên tâm.
|
Nhiều hộ dân chung cư Bông Sen rao bán nhà vì những bất tiện trong sử dụng, sinh hoạt, cầu thang máy rung lắc...
|
Khách hàng có bị lừa?
Cùng thời điểm chung cư Bông Sen được xây dựng, tại phường Quang Trung này, một số nhà đầu tư khác cũng xây dựng các công trình tương tự. Tuy nhiên, các tòa nhà này, người dân đã được cấp “sổ đỏ” từ lâu. Giải thích về lý do này, ông Thanh thẳng thắn: “Do chủ đầu tư thay đổi thiết kế ban đầu là chỉ để lại tầng 1 phục vụ thương mại, từ tầng 2 đến tầng 21 là căn hộ để bán, tầng 22 cũng có 7 căn hộ nhưng chủ đầu tư cho thuê. Do xây dựng sai thiết kế nên đến nay 133 hộ dân mua nhà ở đây vẫn chưa được UBND TP Vinh xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Chúng tôi kiến nghị, đối thoại với chủ đầu tư rất nhiều lần rồi nhưng vẫn không mang lại hiệu quả. Do vậy, có 30 hộ dân phản đối bằng việc không nộp phí chung cư từ tháng 4/2019 đến nay.
Chị N, chủ một căn hộ ở chung cư Bông Sen nằm trong danh sách 30 hộ không nộp phí chung cư nêu trên cho rằng: “Không phải chúng tôi chây ỳ mà đây là biện pháp để chủ đầu tư phải sửa chữa ngay cầu thang máy và thực hiện việc cấp “sổ đỏ” cho dân. Nhà tôi mua bằng tiền vay ngân hàng, thế chấp bằng “sổ đỏ” của nhà bố mẹ tôi, 6 năm rồi nhà tôi vẫn chưa được “cấp sổ đó” thì tôi lấy gì để bảo đảm cho quyền lợi hợp pháp của mình?”
Tại bảng tin tầng 1 và hành lang các tầng, Ban Quán lý chung cư Bông Sen dán niêm yết công khai khá nhiều văn bản thông báo, trong đó có “Lời cảnh báo sử dụng thang máy số 2” có nêu: “Vừa qua Ban Quản lý chung cư đã kết hợp với Công ty Thang máy Thyssenkrupp Việt Nam kiểm tra, bảo dưỡng thang máy số 2 của nhà chung cu Bông Sen, song vẫn không đảm bảo chất lượng như mong muốn, khi vận chuyển vẫn phát ra tiếng kêu”. Phóng viên Hòa Nhập đã trải nghiệm 1 lần đi cầu thang này và xin đưa ra nhận xét: “Cầu thang máy số 2 không chỉ phát ra tiếng kêu cót két mà con rung lắc mạnh, rất nguy hiểm!”. Một số người dân ở đây được hỏi đều lắc đầu: “Nguy hiểm lắm! Có lúc nó rơi tự do liên tục mấy tầng hoặc đứng im không thèm di chuyển, không thèm mở cửa nữa. Chúng tôi rất sợ trẻ con và người già bị kẹt trong cầu thang”
|
Lời cảnh báo của Ban Quản lý chung cư Bông Sen về mối hiểm họa từ... cầu thang máy chất lượng kém
|
Để khắc phục “sự cố” về cầu thang số 2 này, đại diện chủ đầu tư và Công ty Thang máy Thyssenkrupp Việt Nam đã yêu cầu Ban Quản lý chung cư Bông Sen vận động người dân đóng góp số tiền sửa chữa, thay thế thiết bị lên tới gần 74 triệu đồng, nhưng người dân không chấp nhận. Ông Thanh than thở: “Mỗi tháng, thu phí chung cư (3000đ/m2) chỉ đủ trả tiền vệ sinh hàng lang, tiền điện hàng lang, tiền điện 2 cầu thang máy là hết. Tiền thu từ gửi xe ô tô, xe máy chỉ đù trả lương cho 6 người làm bảo vệ, lương của Ban Quản lý chung cư lấy từ 12,5 triệu đồng mà chủ đầu tư cho thuê tầng 22 cũng chỉ đủ để trả cho 3 người”.
Ông Thanh đưa cho phóng viên xem tờ giấy đề nghị vay số tiền sửa chữa cầu thang máy nêu trên gửi đại diện chủ đầu tư Mường Thanh đề ngày 28/8/2019 nhưng đến ngày 06/9/2019 mới được ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Du lịch Nghệ An. Tuy nhiên, ông Hiển chỉ cho ông Thanh vay số tiền trên trong thời hạn từ khi “phê” cho đến 30/10/2019. Cầm tờ giấy xin vay tiền và “bút phê” của ông Hiển, ông Thanh lắc đầu: “Tôi vay để sửa cầu thang máy cho dân đi, nhằm ngăn chặn hậu quả xấu xảy ra mà ông Hiển chỉ giới hạn thời gian trả nự như thế thì tôi lấy đâu ra tiền để giữ lời hứa? Đành mặc cho số phận bà con thôi anh ạ”.
Phóng viên bấm điện thoại gọi cho ông Lê Thanh Thản- Chủ tịch HĐQT, DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, sau khi nghe trình bày nỗi khổ của 133 hộ dân chung cư Bông Sen, ông Thản nhẹ nhàng: “Để bác cho kiểm tra. Nếu đúng như rứa thì bác chỉ đạo trong nớ bỏ tiền ra sửa chữa, bà con không phải nộp. Còn về sổ đỏ thì cũng để bác kiểm tra, chỉ đạo anh em họ làm. Em nói với bà con là yên tâm giúp bác nhé”.
|
Theo phát ngôn của ông Lê Thanh Thản, số tiền sửa chữa thang máy chủ đầu tư Mường Thanh sẽ chịu trách nhiệm, người dân không phải đóng góp
|
Liên quan đến khoản tiền "vay" sửa chữa thang máy này, ông Hiển cho biết: Tiền sửa chữa cầu thang máy và chống thấm, dột, Tập đoàn sẽ lo, tui vừa nhận được chỉ đạo của Tập đoàn đây rồi. Còn thủ tục cấp “sổ đỏ” cho bà con thì đang cố gắng xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An trong năm nay”.
Liệu rằng, lời hứa của “đại gia điều cày Lê Thanh Thản” và ông Hiển có thành hiện thực hay không?
Phóng viên Hòa Nhập sẽ tiếp tục cập nhập thông tin về vụ việc này và mong nhận được phản ánh kịp thời của bạn đọc.